SƯỢNG CƠM SẦU RIÊNG – NHỮNG NGUYÊN NHÂN CHÍNH

Sượng cơm sầu riêng, nhìn từ gốc độ nông dân
Quan sát ghi chép và thăm hỏi cụ thể rất nhiều nhà vườn, giải thích về vấn đề sượng cơm, cháy múi trên trái sầu riêng theo mình từ những nguyên nhân chính sau đây:
1. Do mưa
Đây là yếu tố làm không đạt về chất lượng quả, tuy nhiên không hoàn toàn là nguyên nhân gây sượng, cháy múi vì vẫn có khá nhiều vườn dù mưa nhiều nhưng sau khoảng 5-7 ngày nắng thì chất lượng trái dần ổn trở lại.
Tuy vậy, rủi ro chất lượng trái rất lớn nếu mưa dầm, độ ẩm đất quá cao, trời thiếu nắng v.v thì rất khó xử lý vì khó mà có thể chống lại trời vì vậy nên xem như là yếu tố hên xui trong canh tác. Cách khắc phục duy nhất là chăm cây khoẻ rễ, mạnh lá, cây mạnh thì sẽ nhanh thích ứng và chống chọi, ngoài ra không còn cách nào khác.
2. Do cạnh tranh dinh dưỡng
khi cây ra đọt non quá mạnh cũng sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh chất dinh dưỡng giữa sự phát triển của đọt non và cơm trái và đọt non thường giành dinh dưỡng mạnh hơn cơm trái nên cơm trái không đủ các yếu tố dinh dưỡng cần thiết kịp thời gây ra sượng, cháy,…
3. Rối loạn dinh dưỡng
Này là nguyên nhân chính và cái hay bị nhất chính là khi sử dụng phân Kali.
Các nguyên nhân thường gặp là:
– Bón phân Kali đỏ, này thì nghe hơi buồn cười vì đã làm sầu riêng ai chẳng biết là không nên dùng kali đỏ vì gây sượng múi. Tuy nhiên, không phải chỉ kali đơn như kali đỏ mới là nguyên nhân, vấn đề lại ở chỗ bón phân N:P:K có chứa nguyên liệu là KCl do không xem xét kỹ thành phần bao bì, không biết được loại NPK mình dùng có thành phần này có khi cũng là rũi ro của nhà vườn. Vì vậy giai đoạn trái cần sài các dòng NPK uy tín, rõ ràng về các thành phần.
– Bón kali đơn một cách lạm dụng, không theo bất kỳ quy trình, giai đoạn nào của trái, cứ đọt muốn ra hay cây sung chút là bón kali cũng là nguyên nhân chính gây sượng, cháy múi.
Theo các nghiên cứu khoa học thì Canxi và Magie (Mg) là 2 yếu tố quyết định nhiều đến chất lượng cơm và cháy múi thì thường được cho rằng do yếu tố Bo. Nếu như bón quá nhiều lân tại đất là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu kẽm (Zn) và sắt (Fe) ở cây trồng thì khi bón dư Kali thì dễ gây ra hiện tượng thiếu Canxi và Magie do Kali khi dư thì lại tương quan nghịch với Canxi và Magie. Vì vậy bón nhiều phân Kali nhưng thiếu Canxi và Magie gây ra sự mất cân bằng dinh dưỡng và làm cho sầu riêng bị sượng.
Sầu riêng rất cần kali, nhưng khi thừa thì lại không ổn vì vậy cần phân kỳ quy trình phân để khi nào dùng kali của NPK, khi nào dùng kali đơn, khi nào dùng phối chung cho hợp lý.
Thông thường, kali đơn bón vào gốc sẽ được dùng vào giai đoạn cuối của trái khi trái đã từ hơn 90-110 ngày (tuỳ vùng chín, sớm hay muộn) và không nên lạm dụng trộn bón nhiều kali ở giải đoạn 60 ngày đến 90 ngày. Cần chú ý bổ sung Canxi, Magie, Bo để đề phòng sự thiếu hụt, trong đó lưu ý các dòng Canxi Bo rất dễ kết tủa khi phối trộn và rất khó kiểm soát chất lượng vì vậy nên dùng các dòng mà mình đã quen dùng và hiểu rõ chất lượng để tránh sượng trái.
– Trái đã bị sượng, cháy múi rồi, thì không thể khắc phục, không thể lùi thời gian để làm lại điều mình mong muốn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *