CÁCH SỬA TRÁI SẦU RIÊNG

Trái sầu riêng tròn đẹp, xanh gai, mẫu mã đẹp sẽ giúp bà con bán được giá hơn. Một số đặc điểm ảnh hưởng đến màu sắc trái sầu riêng:
– Giống: Ri6 da sẽ xanh hơn so với Mongthon.
– Thổ nhưỡng, khí hậu: Sầu riêng miền Tây sẽ xanh hơn so với miền Đông và Tây Nguyên.
– Sức khỏe của cây, loại phân bón sử dụng, lượng nước tưới…
Những vấn đề nào thường gặp khiến bà con phải “sửa trái” sầu riêng?
– Méo trái, giật hộc.
– Vàng gai, cháy gai, bó gai.
– Nứt gai, nứt cuống.
=> Mẫu mã xấu, không được giá.
Việc sửa trái thực chất là gì?
Trái sầu riêng trong giai đoạn phát triển sẽ lớn cả bề ngang và bề dọc, nhưng tất nhiên, nhìn múi căng tròn, lớn về bề ngang thì dân làng mới thích đúng không ạ?
Thế là sinh ra “sửa trái” bằng cách sử dụng phân bón, các sản phẩm khác và kỹ thuật canh tác, để trái sầu riêng xanh gai, nở gai, tròn đều và nặng kí.
Thay vì nghe “người ta nói”, bà con hãy cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân sâu xa gây nên những tướng xấu của trái sầu riêng, từ đó có biện pháp khắc phục từ sớm mà vẫn đảm bảo cây khỏe bền vững.
Một số nguyên nhân chính gây méo trái, giật hộc:
– Đi đọt trong giai đoạn trái non, bộ lá yếu, cây suy.
– Không đủ dinh dưỡng nuôi trái (bà con bón phân muộn, bón loại phân không phù hợp, bón không đủ phân…).
– Quá trình thụ phấn không hoàn chỉnh (khó sửa trái).
– Cạnh tranh dinh dưỡng giữa các trái trong một chùm.
– Thiếu nước trong giai đoạn ra hoa và quả non.
Nguyên nhân gây vàng gai, cháy gai:
– Chặn đọt quá liều bằng các chất chứa Paclo và Kali cao.
– Thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là trung vi lượng quan trọng hình thành nên diệp lục như Mg, Zn… (màu xanh thực chất là màu của diệp lục trên gai trái đó bà con).
– Dùng thuốc trừ sâu bệnh liều cao, nóng, chứa các gốc nhũ dầu, phun thuốc sát trái.
=> Nếu trái bị cháy gai nặng sẽ gây bó trái, giật hộc.
Hiện tượng bể gai, nứt gai:
– Bể gai sầu riêng chủ yếu gây xấu mẫu mã và dễ khiến trái dễ bị nấm bệnh.
– Do cành, trái sát nhau, cọ xát vật lý gây bể gai.
– Bón nhiều phân một lúc, làm trái lớn quá nhanh, thiếu trung vi lượng, đặc biệt là Ca, Silic gây nứt gai, nứt cuống.
– Do bị rệp sáp phá hại, gây méo gai.
Thời gian hiệu quả nhất để sửa trái là trong giai đoạn trái non, dưới 60 ngày.
Tất nhiên sửa ở đây cũng giới hạn một số trường hợp, chứ không thể “hô biến” sầu riêng méo xẹo thành tròn quay, từ 3 4 hộc thành 6 hộc được đâu nhé!
Từ những nguyên nhân được liệt kê ta sẽ thấy là hành trình để có được trái sầu riêng chất lượng phải đi từ giai đoạn phục hồi, kết hợp với nhiều biện pháp để cho ra kết quả tốt nhất!
– Chặn đọt: Nếu trước xổ nhụy hoặc trong 60 NSĐT cây đi đọt bà con nên chặn đọt sau 60 ngày có thể dìu nhẹ.
– Đi cơi đọt: Phải chăm sóc cây đầy đủ từ giai đoạn phục hồi sao cho đi được 3 cơi và lá lụa trước khi xổ nhụy, thì cây mới đủ sức nuôi hoa. Giai đoạn mắt cua bà con tranh thủ kéo thêm 1 cơi đọt (tùy vào tình trạng đọt mà chọn, bón vừa thôi, không nó dư là đến mùa gặp mưa, dư đạm là lại đi đọt, nứt gai nữa). Trên lá nên kết hợp thêm các dòng phân bón có tính mát, kẽm để kéo đọt, nở lá nhanh mà tăng sức chống chịu cho cây.
– Tăng khả năng thụ phấn, đậu trái: Đây mới là bước quan trọng nhất để trái của bà con ít bị méo nè. Giai đoạn xổ nhụy bà con nên thụ phấn bổ sung, để trái có đủ hộc. Trước và sau xổ nhụy phun Ca – Bo để tăng sức sống hạt phấn, đậu trái nhiều, tròn trái, giảm rụng.
Bón phân nuôi trái:
– Bắt đầu bón từ 10 – 15 NSĐT là được rồi, bà con đừng sợ bón sớm quá nó đi đọt, vì sau giai đoạn ra hoa cây đã khá tốn sức rồi, bón cho trái lớn và hồi cây lại.
– Giai đoạn 25 – 30 NSĐT: rụng sinh lý mạnh, tỉa trái để giảm cạnh tranh dinh dưỡng.
– Giai đoạn 30 – 60 NSĐT (Thái thì từ 60 ngày trở lên nha): Chạy trái mạnh, trái sẽ lớn ra cả chiều ngang và dọc, và những hộc nào được thụ phấn sẽ phát triển mạnh làm méo mó trái.
Thường thì Ri6 sẽ méo nhiều hơn so với Thái. Cơ chế sửa trái dùng chất điều hòa sinh trưởng, ức chế NAA và auxin (cũng ức chế Etylen giúp chống rụng trái), từ đó trái sẽ lớn tròn đều và chậm lại, nhưng mà phun nhiều trái sẽ tròn như trái banh, thường những trái này thì không lớn và nhẹ kí (nhưng mà được cái mã, lái nó lại mê ~). Chất điều hòa sinh trưởng này còn giúp tăng lượng diệp lục giúp xanh trái và chống rụng nè.
Tuy nhiên bà con cũng biết tác hại của hất điều hòa sinh trưởng nên có thể sử dụng các anh em chung nhóm Triazole tác dụng tương tự nhưng an toàn hơn, nhớ là phải pha loãng thôi. Lưu ý là các chất này bà con có thể áp dụng chặn đọt được, nhưng không được để dính trái, đứng trái không lớn nổi đâu.
Bà con nên chọn bón phân N, P, K để trái phát triển đều cả bề ngang và bề dọc, nhớ chia nhỏ ra 7 – 10 ngày bón 1 lần để cây dễ hấp thu, ăn nhiều quá nó bể gai, nứt trái em không chịu trách nhiệm đâu à.
Tưới nước vừa phải, nếu gặp mưa quá ẩm nên cào sạch lá dưới gốc cho gốc thông thoáng. Giai đoạn này bón hữu cơ ể giai đoạn vào cơm có chất dùng hợp lý mà còn giúp bền cây.
– Trên lá bà con không quên kết hợp phun trung vi lượng phù hợp cho các giai đoạn, chống nứt bể gai và giúp xanh trái. Bổ sung đủ Ca còn giúp tăng khả năng chịu stress và nấm bệnh, giúp tỉ lệ thối trái giảm đáng kể.
– Không quên phòng trừ sâu bệnh hại và nên chọn thuốc mát, tránh gốc nhũ dầu, phun định kỳ, phun xa trái.
Nói chung là việc sửa trái chỉ có hiệu quả đến trước 60 ngày sau đậu trái thôi, hiệu quả nhất là khoảng giai đoạn 10 – 40 NSĐT. Múi nào hơi lép lép thì bơm cho nó phồng lên, chứ trái nào đã cong vòng do thiếu hộc thì thôi tỉa đi bà con nha.😆

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *