NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG VIỆC TRỒNG XEN SẦU RIÊNG VỚI CÀ PHÊ


Ở thời điểm hiện tại, sầu riêng là loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế rất cao, tuy là loại cây khó chăm sóc và cần đầu tư nhiều nhưng hiệu quả kinh tế mang lại nhiều hơn hẳn vì vậy trào lưu trồng sầu riêng tại các tỉnh Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long đang nở rộ trong thời gian gần đây. Thậm chí, nhiều người dân còn phá bỏ cả vườn cà phê, hồ tiêu… để chuyên canh sầu riêng. Tuy nhiên có những nhà vườn lại lựa chọn trồng xen canh để gia tăng kinh tế chứ không phá bỏ cây nào. Ở Tây Nguyên mô hình trồng xen sầu riêng với cà phê không có gì lạ lẫm, tuy mô hình này đem lại nhiều lợi ích nhưng bên cạnh đó người trồng cũng phải đối mặt với một số khó khăn trong việc chăm sóc cân bằng hai loại cây này.

Khi trồng xen, trong giai đoạn kiến thiết cơ bản chỉ cần phân thuốc hợp lý thì hầu hết không có gì khó khăn, thậm chí còn có một số lợi ích, nhưng đến giai đoạn cây sầu riêng bắt đầu làm bông làm trái thì sẽ gặp một số khó khăn nhất định, vì quá trình sinh trưởng và phát triển không giống nhau nên những khó khăn chủ yếu khi trồng xen hai loại cây này với nhau chủ yếu là:

– Khó khăn thứ nhất: Hai loại cây này có thời điểm sinh trưởng khác nhau, thời điểm ra hoa, đậu quả cũng khác nhau vì vậy vấn đề đầu tiên gặp phải rơi vào giai đoạn xiết nước làm bông. Thời điểm cần ngắt nước để làm bông cho cây sầu riêng thường rơi vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch. Nhưng thời điểm này cũng là thời điểm mà cây cà phê rất cần nước để có thể ra hoa đều nếu không sẽ gặp phải trường hợp ngậm hoa chanh dẫn đến hỏng bông mất mùa.

– Khó khăn thứ hai thường gặp đó là vào giai đoạn cây bắt đầu nuôi trái non (quả bằng ngón tay cái) hoặc cây nào muộn hơn thì mới xả nhụy xong 10-20 ngày. Thời điểm này là thời điểm đầu mùa mưa, cây cà phê sẽ cần một lượng phân nhất định, đặc biệt là cần đạm để phát triển nhưng ngược lại với cây cà phê nếu chúng ta bón phân có hàm lượng đạm cao vào giai đoạn này sầu riêng sẽ đi đọt và rụng sạch quả do dư đạm. Có lẽ đây là vấn đề bà con trồng xen hay gặp phải, khi bón phân cho cà phê sẽ nghĩ rằng bón xa nên sầu riêng ăn không tới, nhưng bộ rễ sầu riêng ăn rất rộng, nếu chăm tốt bộ rễ nó sẽ gấp 3 lần tán vì vậy giai đoạn này bón phân cho cà phê sẽ làm rụng trái.

-** Khó khăn thư ba** chúng ta gặp phải đó là giai đoạn quả sầu riêng hình thành cơm. Ở giai đoạn này cây cà phê cần một lượng lớn đạm và lân ngược lại cây sầu riêng lại cần kali để nuôi quả, mà bộ rễ sầu riêng thường lan rất rộng nếu nhà vườn bón phân cho cà phê thì cây sầu riêng vẫn lấy được chất dinh dưỡng, lúc này dễ gây ra tình trạng vỏ dày, méo trái sượng cơm, cháy múi…. Còn nếu bón kali nhiều thì cà phê sẽ không đạt, gây hiện tượng nhỏ nhân.

Có nhiều vấn đề gặp phải khi trồng xen canh như vây thì có thể trồng được không? Thực tế có rất nhiều bà con đã và đang trồng xen canh mô hình này nhưng vẫn đạt hiệu quả cao tuy nhiên để chăm sóc cân bằng cả hai loại cây sẽ khó hơn bình thường và trong giai đoạn cây sầu riêng ra hoa đậu quả bà con nên chăm sóc cây cà phê theo chế độ phân thuốc của cây sầu riêng để đảm bảo được năng suất từ hai loại cây.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *