CANH CƠI LÁ GIAI ĐOẠN TRÁI RẤT QUAN TRỌNG KHI KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG SẦU RIÊNG

CANH CƠI LÁ GIAI ĐOẠN TRÁI RẤT QUAN TRỌNG KHI KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG SẦU RIÊNG
Muốn trái sầu riêng có cơm mịn, màu đẹp, vị ngọt đậm thì bộ lá đóng vai trò vô cùng quan trọng. Lá khỏe thì cây khỏe, dinh dưỡng dồi dào nuôi trái suốt vụ. Vì vậy, việc quản lý cơi đọt (lứa lá) trong từng giai đoạn phát triển của trái là chìa khóa quyết định chất lượng thu hoạch.
Chúng ta quan tâm rất kỹ việc kéo cơi khi sau khi làm bông,khi mắt cua nhú đều sẽ tiến hành kéo ngọn, đây là cơi đọt đầu tiên sau quá trình ức chế làm hoa. Việc kéo đọt sẽ tiến hành ngay khi hoa nhú đều 1-2cm và kéo càng nhanh càng tốt, để làm sao khi hoa nở, xã nhuỵ bộ lá này sẽ già đều và nằm im giúp quả không bị rụng do cạnh tranh dinh dưỡng. Việc càng tích luỹ nhiều lá cho cây, càng chiếm nhiều ưu thế cho quả vì bộ lá chính là cơ quan kiến tạo dinh dưỡng cho cả cây và quả.
Cơi đọt được kéo ở giai đoạn hoa này có vườn sẽ làm thuận lợi, có vườn do khí hậu, do lực cây không thể kéo hoàn hảo hoặc phải chặn luôn vì không kéo kịp hoặc kéo ra hơi trễ phải làm già nhanh. Việc thuận lợi được bộ lá từ giai đoạn này cũng rất quan trọng, vì nguyên lý lá ra thế nào thì rễ sẽ ra thế nấy, lá càng ngon rễ càng khoẻ và bộ rễ này sẽ gồng gánh giàn trái cho đến tận ngày thu hoạch. Đây là giai đoạn 1 của bộ lá khi làm trái.
Xong lần kéo cơi ngọn này vườn sẽ vào giai đoạn đậu quả, chạy trái. Ở giai đoạn này không thể để cây ra cơi đọt, thời gian này kéo dài đến 45-60 ngày thì cây mới không rụng quả non, méo vẹo giật mã trái. Việc hãm ngọn, lá này có tổng thời gian gần bằng 1 cơi đọt tự nhiên, như vậy xem như cây bị khựng hẳn 1 cơi đọt, như vậy bộ lá và rễ sẽ rất già, và khi già thì cả lá và rễ sẽ hoạt động từ mạnh khoẻ sang yếu dần. Tuy nhiên sự không mạnh khoẻ này của lá và rễ lại giúp mã trái không méo vẹo, quả không bị cạnh tranh dinh dưỡng và giai đoạn này trái còn nhỏ, dinh dưỡng không cần thiết phải nhiều. Đây là giai đoạn 2 của bộ lá khi làm trái, một giai đoạn cây gần như không tạo ra lá, rễ.
Bước vào giai đoạn 3, là khoảng thời gian từ khoảng 50-60 ngày đến khoảng 100-110 ngày của tuổi quả, đây là giai đoạn quả lớn nhanh, vào ruột mạnh, để có bộ lá và rễ mạnh khoẻ nuôi quả nhà vườn sẽ đi mạnh phân kéo tiếp rễ và lá, cây sẽ vừa nuôi quả vừa nuôi lá. Tuỳ vào thời gian chín của quả của từng vùng miền mà canh chỉnh hợp lý cơi lá này, khi canh chỉnh tốt, chất lượng trái sẽ tốt hơn. Lưu ý một số yếu tố sau:
– Nếu vùng trồng quả chín từ khoảng 110-115 ngày, cần kéo nhanh đọt nhanh ngay sau khi hết rụng sinh lý, trường hợp kéo bị chậm, cần hỗ trợ phun qua lá hoặc dặm phân gốc giúp cây nhanh già lá hơn vì thời gian kéo xong lứa chồi vừa khít số ngày quả sẽ chín. Lý do: khi quả chín vào ngày thứ 110-115, cây cần ít nhất 20 ngày để vào ngọt lên màu cơm mạnh, khi này bộ lá toàn cây đã già đều, phần tiêu hao, tích luỹ mạnh nhất của cây là dàn quả cây đang nuôi sẽ thuận lợi nhận dinh dưỡng và kiến tạo ruột giai đoạn chính quả, nếu chồi còn non, lá còn lụa, chưa già hẳn, cây sẽ phải chia dinh dưỡng cho cả quả và trái. Khi gặp bất lợi về thời tiết hoặc sự hấp thu, cây sẽ giành hoặc dùng chính dinh dưỡng của quả để nuôi lá, khi đó việc chín trái sẽ không hoàn hảo.
– Nếu vùng trồng quả chín từ khoảng 135-145 ngày, thời gian khá hợp lý và thoải mái để hoàn thành xong cơi đọt ( có thể nhẩm tính quả 70 ngày cây đi chồi thì khoảng 125 ngày có thể già khá đều lá vì về sau nuôi quả dòng phân NPK chứa kali hơi cao dễ già). Sau khi lá chuyển già, nên khoá hãm luôn rễ, lá cho cây duy trì bộ lá già đều đến khi kết thúc thu hoạch, tránh để cây đi đọt non hoặc lá chưa già đều làm giảm chất lượng cơm.
– Việc kéo đọt, chặn đọt, làm già nhanh chồi lá tuỳ thực tế mà nhà vườn lựa chọn. Tuy nhiên ngay từ khi cây nhú mắt cua, việc chăm sóc phun bón, chặn hãm nên tính toán điểm rơi hợp lý của bộ lá khi quả chín thì chất lượng quả sẽ tốt hơn.
Nguồn: Lê Ngọc Trác

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *