– Hiện giờ, trái non từ vừa mới xả nhị xong cho đến bằng các đầu ngón tay mà trái bị lì gai, đầu gai trái non bị vàng, thúc đủ mọi cách rồi mà trái vẫn không chịu lớn, cứ rụng dần tôi thấy xót ruột quá.
– Anh bình thấy dọc bên hông trái có bị khuyết vào giống như trái khế không?
– À có … có.
– Anh thấy cuống trái mập hay ốm?
– Nó ốm nhách hà!
– Màu của cuống trái anh thấy cũ hay mới?
– Vài trái nào lớn nhanh thì cuống có màu mới mỗi ngày, còn đa số các trái còn lại có màu cũ và tối lắm. Tui để ý là mấy trái lớn nhanh hơn, cuống có màu mới sau vài trận mưa là nó cũ như mấy trái kia vậy đó.
– Anh thấy chùm bông và chùm trái non có dảnh ra hay xụi lơ hả?
– Mỗi chùm còn có 1 – 2 trái mà dảnh cái gì! Mà tui để ý nghen, các cây có trái mau lớn thì chùm trái nó dảnh ra, còn đa số xụi lơ hà!
– Anh Bình đã làm gì để thúc cho trái mau lớn rồi?
– Làm đủ thứ hết kỹ sư ơi. Trên lá tui phun tùm lum thứ, có khi phun 3 – 4 loại thuốc cộng chung vô luôn, còn ở dưới đất tui bón phân nhiều lắm. Mà kì nghen tui càng bón thì chùm bông, trái càng xụi lơ và rụng dữ dội hơn. Hết cách rồi kỹ sư ơi, ông có cách nào không chỉ tui cứu vườn với!
=> Trên đây là cuộc điện thoại mà anh Bình ở xã Ngũ Hiệp, Cai Lậy, Tiền Giang điện cho tôi hỏi về hiện tượng trái non sầu riêng bị lì gai, chậm lớn. Thấy sự cố của vườn anh cũng là sự cố phổ biến ở nhiều vườn sầu riêng, được sự đồng ý của anh Bình nên tôi viết bài này gửi đến bà con.
1/ Triệu chứng:
Chắc bà con biết rõ qua đoạn đối thoại trên rồi. Tôi xin tóm tắt lại triệu chứng nè bà con:
(1) Trái non bị lì gai, đầu gai bị vàng.
(2) Trái bị chậm lớn, có khi đứng yên hoài không lớn và rụng dần, có cây bị rụng hết luôn.
(3) Chùm bông, chùm trái bị xụi lơ.
(4) Màu của cuống trái bị tối màu, cuống ốm.
(5) Dọc theo hông trái, nơi là hộc có múi của trái bị khuyết vô, làm cho trái giống như “ trái khế” vậy.
2/ Nguyên nhân:
Là do cây bị suy yếu bộ rễ.
Những yếu tố ảnh hưởng đến sự mạnh – yếu của rễ là:
(1) Nền liếp và mô trồng sầu riêng bị thấp.
(2) Mưa nhiều làm đất ẩm liên tục, rễ bị ngộp do thiếu không khí vì nước đã chiếm hết lỗ hỗng của không khí rồi.
(3) Bón phân nhiều làm cháy rễ.
3/ Cách khắc phục:
Từ nguyên nhân nêu trên, chắc bà con biết cách khắc phục rồi phải không?
Cách dễ thực hiện nhất và hiệu quả nhất là: Bà con phun thuốc trên lá mà giúp cho cây thông nhựa, tăng sức chống chịu và ra rễ ở dưới đất. Phun phân thuốc dưỡng bông, nuôi trái, chống rụng trái non kết hợp phân thuốc sửa trái, phun ướt đều tán lá, chùm bông, chùm trái, chú ý phun ướt kỹ hơn ở mặt dưới của lá với béc phun nhuyễn nhất, phun 2 lần liên tục cách nhau 2 ngày. Nếu vườn cây bị lì trái quá nặng bà con có thể phun thêm lần 3, lần 4.
Sau khi phun lần 2 được 3 – 4 ngày, bà con sẽ thấy các trái trong 1 chùm dảnh ra, cuống trái mập hơn và có màu xanh mới, trái non sẽ nóc tròn ra và hiện tượng trái khế sẽ hết nhanh.
=> Sau khi làm 1 chập 2 – 3 lần phun, bà con sẽ thấy có 70 – 80% số cây trong vườn phục hồi và trái có đà lớn nhanh. Còn lại 20 – 30% số cây bị nặng hơn sẽ phục hồi yếu và chậm vì bị suy rễ quá nặng. nếu muốn phục hồi nhóm cây quá nặng này, bà con nên làm tiếp chập 2 gồm 1 – 2 lần phun nửa cho riêng các nhóm cây này thì vườn mới phục hồi hoàn toàn được.
Mình dừng lại đây nghen bà con. Kính chúc bà con nhều sức khỏe. xin chào và hẹn gặp mặt!
Nguồn: Sưu tầm